Cơ hội mới của Logistics Việt Nam và Dịch vụ vận chuyển hàng không

Nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tuy có sụt giảm trong những tháng đầu năm nhưng so với các nước khác trong khu vực và thế giới, Việt Nam vẫn ghi nhận những dòng vốn tích cực dù chịu ảnh hưởng của Covid-19. 
 
Nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đóng một vai trò quan trọng, là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Số liệu của Cục Đầu Tư Nước Ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy trong tháng 5/2020, cả nước đã thu hút được 1,55 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng các nguồn vốn này đạt 13,89 tỷ USD, bằng 83% cùng kỳ năm 2019.
 
Cũng trong 5 tháng đầu năm, đã có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,31 tỷ USD, chiếm 38,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,45 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư; Tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
 
 Một kiện hàng khẩu trang y tế do ITL đảm nhận vận chuyển đang được đưa lên máy bay của AirBridge Cargo Airlines

Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội, thậm chí là cơ hội “vàng” trong việc thu hút vốn FDI trước làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư mới từ các nước. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, đây là điều kiện tiên quyết để có thể mở cửa nền kinh tế trở lại sớm với mức độ thiệt hại thấp hơn các quốc gia khác cũng như cơ hội thu hút làn sóng FDI mới.
 
Đầu tháng 6 vừa qua, Mỹ cũng cho biết rằng nước này đã xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên trong các dự án tại khu vực sắp tới, gồm sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ.
 
Trong tháng ba vừa qua, Việt Nam cũng cũng đón nhận thông tin hãng Apple của Mỹ bắt đầu đầu chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam với khoảng từ 3 đến 4 triệu chiếc AirPods dự kiến sẽ được sản xuất trong Quý II. Gần đây, thông tin hãng này liên tục tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, đã làm dấy lên khả năng họ sẽ mở nhà máy trong tương lai gần. Bên cạnh đó Google và Microsoft cũng đang rục rịch kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn như Amazon và Home Depot cũng có những bước tiến mới trong việc bắt đầu tuyển dụng, tìm kiếm chuỗi cung ứng. Nhìn chung, các hãng lớn đang xem Việt Nam là một trong những địa điểm lý tưởng, bên cạnh các quốc gia khác trong khu vực.
 
Đồng thời, trong lĩnh vực Logistics, các công ty Logistics Việt nam nói chung và ngành dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không nói riêng cũng có những bước tiến đáng kể. Tiêu biểu là thông tin hai chuyến bay thuê bao (charter) tuần qua đã chuyển lô hàng 30 triệu chiếc khẩu trang y tế Việt Nam do Tập đoàn ITL đảm nhận vận chuyển để xuất sang Bắc Mỹ. Được biết, chuyến bay thuê bao (charter) đầu tiên xuất phát từ Hà Nội vào ngày 3/6, sau đó quá cảnh tại Hồng Kông trước khi đến Bắc Mỹ, chuyến thứ hai cũng thực hiện đường bay tương tự như trên vào rạng sáng ngày 6/6. Để đáp ứng số lượng hàng hóa lớn, yêu cầu thời gian vận chuyển gấp rút, Tập đoàn ITL đã phối hợp với hãng AirBridge Cargo Airlines sử dụng hai máy bay chở hàng lớn nhất thế giới là 747-800 F để chở gần 12.000 thùng hàng hóa, tương đương 220 tấn theo trọng lượng hàng hóa và 1.250 cbm theo trọng lượng quy đổi của kiện hàng.
 
ITL là một trong những công ty hậu cần và chuỗi cung ứng lớn nhất tại Việt Nam và là một trong 50 công ty tốt nhất và 500 công ty lớn nhất tại Việt Nam năm thứ 13 liên tiếp. Hiện ITL là chuyên gia cung cấp giải pháp hậu cần hàng đầu khu vực về Hàng không, Hậu cần tích hợp, Kho bãi, Quản lý vận tải hàng hóa, Hải quan và Dịch vụ phân phối.
 
Là đại diện hàng không và tổng đại lý khai thác hàng hóa (GSA) của hơn 22 hãng hàng không, quản lý hơn 300 chuyến bay mỗi tuần và công suất 150.000 tấn hàng hóa mỗi năm, ITL là nhà cung cấp dịch vụ hàng không và GSA lớn nhất tại Việt Nam và dẫn đầu về năng lực thị trường hàng không.
 
Ngoài ra, ITL còn vận hành hơn 300.000 m2 không gian kho bãi đạt tiêu chuẩn quốc tế trên khắp miền Bắc, miền Nam và miền Trung Việt Nam, bên cạnh sở hữu một trong những đội tàu vận tải và xe tải phân phối lớn nhất, tập trung tại 3 trung tâm vận tải chính trên toàn quốc kết nối xuyên biên giới khắp Đông Dương. ITL cũng là chủ sở hữu và đơn vị điều hành của nhà ga đường sắt Yên Viên tại Hà Nội, kết nối Việt Nam và các khu vực quốc tế với Trung Quốc bằng đường sắt.
 
Theo ITL